Đắk Lăk: Sớm minh oan cho người dân bị nhầm là lừa đảo bán đất

Các cơ quan bảo vệ pháp luật ở huyện Krông Păk cần công tâm xem xét sự việc, nhanh chóng minh oan cho ông Sinh, chấm dứt việc “hành” người dân tội nghiệp này.

Trong 3 năm nay, ông Trần Đăng Sinh (SN 1959, trú tại thôn Phước Thọ 3, xã Ea Phê, huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk) sống trong tâm trạng lo âu và buồn thảm vì bị một số người dân địa phương hiểu nhầm là lừa đảo bán đất. Cộng thêm việc cơ quan điều tra gọi lên gọi xuống thường xuyên, ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần và hao mòn sức khỏe.

Ngày 21/7/1995, ông Trần Đăng Sinh hợp đồng với ông Y Bran Niê (trú tại Cụm 2, Buôn Păn, xã Ea Phê, huyện Krông Păk) thuê thửa đất diện tích 5.000 m2 để sản xuất với thời hạn 15 năm (1995-2010). Thửa đất nằm ở phía bên kia cầu treo suối Nước Đục, thuộc địa bàn xã Krông Buk, huyện Krông Păk. Trong năm 1995, ông Sinh trồng cà phê trên diện tích 5.000m2 này.

   Giấy chuyển nhượng đất giữa ông Y Bran Niê với ông Nguyễn Văn Sáu thực hiện ngày 21/12/1997.
Giấy chuyển nhượng đất giữa ông Y Bran Niê với ông Nguyễn Văn Sáu thực hiện ngày 21/12/1997.

Ngày 21/12/1997, ông Y Bran Niê làm giấy chuyển nhượng đất cho ông Nguyễn Văn Sáu với sự xác nhận của Hợp tác xã nông nghiệp Buôn Păn, xã Ea Phê. Ngay chiều hôm đó, ông Y Bran Niê cùng ông Nguyễn Văn Sáu đến nhà ông Trần Đăng Sinh nhậu và bàn chuyện khá vui vẻ. Trong buổi tối 21/12/1997, ông Sinh làm giấy chuyển nhượng phần diện tích cây cà phê trồng trên đất 5.000m2 với giá trị tài sản đã thỏa thuận.Cuối năm 1997, ông Nguyễn Văn Sáu (trú tại xã Hòa An, huyện Krông Păk) có nhu cầu chuyển nhượng hợp đồng lại thửa đất trước đây ông Sinh thuê đất sản xuất của ông Y Bran Niê. Lúc đó, ông Sáu băn khoăn vì, thời gian sử dụng đất còn 13 năm là quá ngắn, nên nhờ ông Sinh dẫn đến gia đình ông Y Bran Niê để mua luôn thửa đất này. Sau khi hai bên thương lương với nhau, ông Y Bran Niê đồng ý chuyển nhượng thửa đất cho ông Sáu.

Lúc đó Sinh viết biên nhận tiền, vàng của ông Sáu bằng “giấy cặp vàng” (theo miền quê ở tỉnh Quảng Nam, giấy cặp vàng là đặt cọc tiền, vàng khi mua bán tài sản). Vì quá chén trong bữa nhậu, khi làm “giấy cặp vàng”, ông Sinh viết sai nội dung nên phải hủy giấy này để làm lại văn bản chuyển nhượng cây trồng trên đất 5.000 m2 . Sau đó, ông Sáu vẫn giữ luôn “giấy cặp vàng”. Nhiều lần ông Sinh đòi lại giấy này để hủy bỏ, nhưng ông Sáu nói rằng, mình đã xé bỏ giấy này rồi. Ông Sinh thấy yên tâm.

Thời gian sau, không hiểu vì lý do gì, giấy chuyển nhượng đất giữa ông Y Bran Niê với ông Nguyễn Văn Sáu bị thất lạc, hay bị cố tình giấu đi. Biết vậy, bà H’Yong Niê (vợ ông Y Bran Niê) đã tố cáo ông Trần Đăng Sinh lên Công an huyện Krông Păk với nội dung lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thụ lý vụ án, trong 3 năm Cơ quan điều tra công an huyện Krông Păk đã nhiều lần triệu tập ông Sinh đến làm việc về sự việc trên. Suốt trong thời gian đó, ông Sinh cùng gia đình luôn sống trong tình cảnh nơm nớp lo sợ, mất ăn mất ngủ và bỏ bê cả việc làm.

Trong khi đó, giấy hợp đồng chuyển nhượng đất của ông Y Bran Niê cho ông Nguyễn Văn Sáu lại không tìm thấy. Theo “Điều 103 Bộ luật Tố tụng Hình sự về “Nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố” đã nói rõ tại mục 2: “Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 2 tháng”.

Đối với trường hợp này, vụ việc khá đơn giản, người dân báo cáo vụ việc cách đây 3 năm, đến nay không còn thời hiệu xử lý, nhưng Cơ quan điều tra vẫn liên tục triệu tập đương sự là trái quy định pháp luật, đã tác động mạnh về tâm lý và làm cho tinh thần ông Sinh suy sụp.

Thực tế “giấy cặp vàng” có nghĩa là giấy đặt cọc, nay không còn giá trị pháp lý. Việc chuyển nhượng tài sản trên đất đã hoàn thành từ lâu, nên giấy đặt cọc không còn ý nghĩa.

Hơn nữa, trong “giấy cặp vàng” không ghi địa chỉ người và thửa đất, mà chỉ nói “tôi có diện tích bên kia cầu treo đã bán cho ông Nguyễn Văn Sáu ở xã Hòa An, diện tích 5 sào”, không nói rõ diện tích đất hay là diện tích cây trồng trên đất nên không thể nói ông Sinh bán đất.

Thời gian gần đây, luật sư Nguyễn Thái Thịnh là người bảo vệ quyền lợi của ông Sinh đã tìm thấy giấy gốc về “hợp đồng chuyển nhượng đất” giữa ông Y Bran Niê với ông Nguyễn Văn Sáu thực hiện ngày 21/12/1997. Đây là bằng chứng minh oan cho ông Sinh về việc “bán đất” để rồi bị vợ ông Y Bran Niê tố cáo lên Công an huyện Krông Păk về hành vi “lừa đảo”.

Rõ ràng việc lợi dụng trước đây ông Sinh viết “giấy cặp vàng” nói không rõ nội dung đưa cho ông Sáu, nhưng ông Sáu không hủy “giấy cặp vàng”; đồng thời giấy gốc chuyển nhượng đất giữa ông Y Bran Niê với ông Nguyễn Văn Sáu lại bị giấu đi.

Do hạn chế về sự hiểu biết pháp luật và bị người khác xúi giục, bà H’Yong Niê (vợ ông Y Bran Niê) đã tố cáo ông Sinh sai sự thật. Nhưng rất tiếc, trong thời gian dài ông Sinh bị nghi oan về việc bán đất của ông Y Bran Niê là hành vi lừa đảo.

Đến nay, sự việc đã “hai năm rõ mười”, ông nông dân hiền lành Trần Đăng Sinh chỉ bán tài sản trên đất (cà phê) cho ông Nguyễn Văn Sáu và thực tế ông Y Bran Niê chuyển nhượng cho ông Sáu thửa đất 5.000 m2.

Do vậy, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở huyện Krông Păk phải công tâm xem xét sự việc, nhanh chóng minh oan cho ông Sinh, chấm dứt việc “hành” người dân tội nghiệp này.

Nguyễn Hoa Cương/KD&PL

error: Content is protected !!