Dư luận cho rằng đây là một câu chuyện thật “khôi hài” chưa từng có từ trước đến nay.
Thời gian gần đây, tại huyện Tuy Đức dư luận đang “mỉa mai” về câu chuyện, một vị nguyên là quan xã đâm đơn gửi đến chính quyền để yêu cầu một hộ gia đình người dân phải trả lại diện tích đất mà họ đã sinh sống, canh tác ổn định suốt 22 năm qua.
Vì hoàn cảnh ở quê hương khó khăn, đất chật người đông, buộc gia đình chị Ngô Thị Nhung, sinh năm 1979, phải rời bỏ quê hương để đến một vùng đất mới phát triển kinh tế, tìm tương lai cho các con sau này và gia đình. Như bén duyên với vùng đất Tây Nguyên, vùng đất đỏ ba zan. Khi đặt chân lên mảnh đất huyện Tuy Đức rừng núi bao vây, trùng trùng, điệp điệp, chỉ lác đác vài hộ gia đình sinh sống, tuy nhiên nhận thấy về tương lai đây là một vùng đất phát triển kinh tế rất tốt.
|
Vào năm 1996, gia đình chị Nhung quyết định đặt chân tại thôn 1, xã Đắk BukSo, huyện Đắk R’lấp (nay là thôn 4, xã Đắk BukSo, huyện Tuy Đức), khai phá được một mảnh đất có diện tích khoảng 2 ha. Sau khi khai phá xong, gia đình chị Nhung đã sinh sống, canh tác liên tục, ổn định đến năm 2002, gia đình chị Nhung tiếp tục trồng được khoảng 200 cây Điều. Tuy nhiên, bị một số đối tượng chặt phá, gia đình chị Nhung có mời Công an xã và Trưởng thôn đến giải quyết.
Đến tháng 2/2007, có ông Ngô Văn Chen đến xin múc đất. Gia đình chị Nhung đồng ý và nhận tiện để gia đình chị có mặt bằng làm nhà. Tiếp đó, gia đình chị Nhung xây dựng nhà cho người thuê, được ông Vũ Nhân Miến cùng đoàn thợ xây đến thuê ở. Khi ông Miến chuyển đi, ông Tiên, Công đến thuê. Theo sau đó là có chị Vũ Thị Aí thuê ở đến ngày nay.
Theo chị Nhung, từ khi gia đình chị khai phá mảnh đất này đến nay, gia đình chị liên tục sử dụng, canh tác ổn định, không bị cơ quan nào nhắc nhở hoặc xử lý vì hành vi gì trên đất hoặc xảy ra tranh chấp với bất cứ một ai. Và năm 2012, Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông xuống kết hợp với chính quyền địa phương xã Đắk BukSo đi đo đạc để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Gia đình chị Nhung đã đăng ký và kê khai.
Hiện nay, mảnh đất của chị Nhung đã được thể hiện có số thửa, và số bản đồ. Bất ngờ, vào ngày 13/4/2017, ông Phạm Văn Hưởng, sinh năm 1956, trú tại thôn 7, xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức gửi đơn đến UBND xã Đắk BukSo đề nghị về việc yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Ông Hưởng cho rằng, gia đình chị Nhung lấn chiếm trái phép đất của ông là 3.000 m2 (3 sào) tại thôn 4, xã Đắk BukSo.
Theo đơn của ông Hưởng trình bày, vào năm 2000, gia đình ông có tham gia Dự án cao su tiểu điền với diện tích 40.000 m2 tại tờ bản đồ số: 01, thửa đất số: 04, địa chỉ thôn 4, xã Đắk BukSo, huyện Tuy Đức. Đến năm 2006, do cao su bị đốt cháy nên ông đã cho máy cày vào khai hoang một phần diện tích đất trên, còn lại một mảnh đất xéo ông chừa lại khoảng 5.000 m2 là không cày đến, vào năm đó thì ông Trương Đình Hiến (chồng chị Nhung) cho người đem máy tới san lấp mặt bằng trên phần đất này, gia đinh ông Hưởng đã đến đình chỉ không cho múc và gia đình ông Hưởng đã cho múc rãnh sâu ngăn không cho người khác lấn chiếm từ đó không có ai đến lấn chiếm, tranh chấp phần đất này.
Vào khoảng cuối tháng 2/2017, ông Hưởng phát hiện có người đến làm nhà trên phần đất của gia đình ông (đất mà khu vực gia đình ông đã sử dụng, bảo vệ). Ông Hưởng có đến hỏi, thì ông Luận cho biết là đã mua của ông Trương Đình Hiển, đã được địa chính đo đạc và cấp quyền sử dụng đất. Ông Hưởng yêu cầu trả lại đất thì ông nói, đất ông mua có bìa đỏ và đang thế chấp tại Ngân hàng.
Theo chị Nhung, anh Hiển cho biết: “Nội dung đơn của ông Hưởng như vậy là không chính xác, bởi khi mới vào đất này, rừng còn rất nhiều, đất không có giá trị, cho nhau không ai lấy. Giờ đất có giá trị thì ông Hưởng mới ra tranh chấp. Gia đình chúng tôi khai phá từ năm 1996 đến giờ là 22 năm, canh tác, sử dụng liên tục, thậm chí chúng tôi còn làm nhà cho người ta thuê ở rất nhiều mà không hề thấy ông Hưởng ra ngăn cản và nói gì cả. Mà mảnh đất này, gia đình tôi cũng không hề tranh chấp với bất cứ ai”.
Trong quá trình PV về địa phương tìm hiểu, tiếp xúc với nhiều người ở cạnh mảnh đất đang tranh chấp giữa ông Hưởng và gia đình chị Nhung, họ cũng khẳng định, gia đình chị Nhung khai hoang, sử dụng ổn định suốt 22 năm nay, không xảy ra tranh chấp cũng như thấy ông Hưởng ra ngăn cản việc canh tác của gia đình chị Nhung trên diện tích mảnh đất này.
Như vậy, việc ông Phạm Văn hưởng cho rằng, gia đình anh Hiển, chị Nhung lấn chiếm trái phép 3.000 m2 ( 3 sào) đất của ông là có cơ sở hay không? Vì sao ông Hưởng có diện tích 40.000 m2 đất này? Sở địa chính Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho ông Hưởng có đúng quy trình, thủ tục, quy định hay không? Và có cấp chồng lên diện tích đất của gia đình chị Nhung đang sử dụng hay không? Các câu hỏi này, xin dành cho các cơ quan thẩm quyền huyện Tuy Đức và Đắk Nông trả lời cho dư luận được biết.
Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi hướng giải quyết của cơ quan chức năng.
Vũ Sơn