Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa”
Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu để cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn không chỉ của nhân vật mà còn là vẻ đẹp tuyệt vời từ bức tranh thiên nhiên.Người nghệ sĩ là người mang trong mình sứ mệnh tìm kiếm và khám phá cái đẹp. Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm ta sẽ thấy nhà văn là người đắm mình trong cuộc hành trình ấy để tạo nên tác phẩm có giá trị bất tử.
Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài qua cái nhìn khách quan của tác giả
Nguyễn Minh Châu là một cây bút của thời đại sau này nên phong cách văn chương của ông cũng có đôi nét khác biệt. Không giống Nguyễn Tuân với trường phái “Nghệ thuật vị nghệ thuật” để ca ngợi nhân vật Huấn Cao hay Nam Cao với trường phái “Nghệ thuật vị nhân sinh” với hình ảnh Chí Phèo. Nguyễn Minh Châu đã khéo léo kết hợp hai trường phái văn học ấy lại với nhau để nói lên cái nhìn khách quan nhất khi phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm của mình.
Giọng kể của nhà văn không nồng nàn cũng chẳng sắc lạnh, nó là một giọng tường thuật chân thực nhất về cuộc đời. Tác giả đã chọn cho mình hình tượng nhân vật người đàn bà hàng chài như một nhịp cầu gắn kết tâm hồn người đọc với cảm quan của nhà văn một cách gần gũi nhất.
Nỗi bất hạnh về ngoại hình và số phận của người đàn bà làng chài trên biển.
Khi phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài, ta thấy nhà văn cho nhân vật mình xuất hiện lần đầu tiên với tất cả cái xấu xí nhất, “mụ” mang ngoại hình quen thuộc của người đàn bà vùng biển với “những đường nét thô kệch”. Không chỉ cái sự khắc khổ trong lao động đã khiến người đàn bà này trở nên như vậy mà từ xuất thân ban đầu, sự miêu tả của nhà văn đã tước đi đặc điểm về nhan sắc của chị. Thật vậy, tương phản hoàn toàn với bức tranh thiên nhiên được miêu tả lộng lẫy trước đó, thì giờ đây hình ảnh con người lại được miêu tả một cách xấu xí và thô kệch nhất.
Khác với Hoàng Phủ Ngọc Tường trong việc miêu tả mọi vẻ đẹp của “thiếu nữ” sông Hương, Nguyễn Minh Châu không dồn toàn bộ bút lực để trau chuốt cho ngoại hình nhân vật của mình mà thay vào đó ông lại cố tình phơi bày cái xấu xí của phận người đàn bà vùng biển. Thậm chí, tác giả không cho người đọc biết cụ thể tên chị, mà thông qua những ngôn từ trong tác phẩm người đọc chỉ biết đến sự xuất hiện của chị qua những từ “mụ”, “người đàn bà” hay “người đàn bà hàng chài”. Không phải tác giả cố ý khiến người đọc tò mò, ông không cho chị một cái tên bởi vì ông ý thức được rằng chị cũng là một trong số những người phụ nữ ở vùng biển này mang kiếp đời như chị.
Nhà văn đã thể hiện nhân vật người đàn bà hàng chài một cách rất chân thật ở khía cạnh cuộc đời chị. Khi phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài, người đọc thấy hình ảnh “đưa một cánh tay lên có lẽ định gãi hay sửa lại mái tóc nhưng rồi lại buông thõng xuống, đưa cặp mắt nhìn xuống chân” của chị khiến người đọc dường như có cái nhìn thương hại trước cuộc đời này. Ngay đến cái quyền chăm sóc bản thân chị cũng không có thì đã là một nỗi bất hạnh lớn đối với phận người phụ nữ.
Không những vậy, người đàn bà này còn là nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình diễn ra một cách gay gắt, “năm ngày một trận nặng, ba ngày một trận nhẹ” là “món ăn” cay đắng của cuộc đời chị. Ở chị, có sự nhẫn nhục, chịu đựng đến ngu muội mà khiến người đọc phải phẫn nộ nhưng không phải xót thương.
Vẻ đẹp tâm hồn ngời sáng của người đàn bà hàng chài
Nhà văn như đẩy người phụ nữ này vào thứ bùn nhơ nhất của cuộc đời khi phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài, khiến người đọc không khỏi trố mắt vì ngạc nhiên, ngạt thở vì bàng hoàng để rồi từ đó, ông đã khai sáng chất ngọc trong chị. “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như trên đất được”, câu nói chân chất ấy như một lời khẳng định bản thân luôn sống vì người khác của chị.
Dẫu rằng sống một cuộc đời bất hạnh như thế nhưng bản thân chị vẫn làm tốt vai trò của một người vợ, thiên chức của một người mẹ và là người giữ lửa cho gia đình dù cho gia đình này có không trọn vẹn.
Chiều sâu của tâm hồn người phụ nữ này một lần nữa được nhắc đến khi chị đối diện với Phùng và Đẩu – một người đàn bà thất học nhưng lại tỏ ra rất hiểu đời khi đứng trước hai nhân vật đại diện cho nghệ thuật và công lý.
Từ vẻ khúm núm, van xin trong sợ sệt “quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được nhưng đừng bắt con bỏ nó” chị đã giải bày về một cuộc sống cần người đàn ông chèo chống trên thuyền của những gia đình vùng biển, mà suy cho cùng nó cũ
ng chỉ để bổ sung cho cái triết lí tình mẫu tử phía trên.Tiếp đến là một câu thoại tưởng chừng như vô lý nhưng thấm thía vô cùng của chị “là vì các chú không phải là đàn bà,…”, đến đây mọi lý luận của chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng như trở thành một thứ lý thuyết suông. Đứng trước sự bất công của cuộc đời, tưởng chừng chỉ cần một tờ đơn ly hôn của pháp luật là có thể giải quyết tất cả nhưng cuối cùng mọi điều ấy lại trở nên vô dụng.
Pháp luật có thể kết thúc những ngày tháng bị bạo hành nhưng đây lại là tờ đơn đánh dấu sự tan rã của một gia đình, bởi có người mẹ nào đủ can đảm bỏ rơi con mình, huống hồ gì đó còn là một người mẹ sống hết lòng vì con như chị.
Hiểu rằng sự giải quyết của pháp luật không làm mình thỏa mãn thì chị lại tìm thấy niềm vui trong chính cuộc đời khắc nghiệt của mình, “vui nhất là lúc nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”. Những câu nói được người đàn bà này nói ra đều là những câu đời rất đắt, vì trong cái cơ cực chị được tôi luyện một tâm hồn gai góc và một tâm hồn nhìn thấu lẽ đời.
Dù trong bùn nhơ của cuộc đời nhưng hay sự xấu xí của ngoại hình thì ở người đàn bà này vẫn có một sức hút mãnh liệt – một sức sống tiềm tàng khiến ai hiểu ra cũng phải nghiêng mình nể phục khi tìm hiểu về nhân vật người đàn bà hàng chài.
Dù là giọng kể sắc lạnh nhưng với Nguyễn Minh Châu, ngòi bút của ông vẫn thấm đẫm tư tưởng nhân đạo. Vì thế khi phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài, người đọc được tiếp xúc với nhân vật một cách tự nhiên và tự mình cọ xát với cảm xúc của chính nhân vật. Nhà văn đã cho người đọc một cảm quan mới mẻ, một quá trình tự nhận thức trong quá trình tìm kiếm cái đẹp và ông đã vô cùng khéo léo trong việc vận dụng tình huống truyện để tạo nên sự độc đáo của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.
Tìm hiểu dàn ý phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài
Mở bài phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Minh Châu cùng phong cách sáng tác.
- Giới thiệu tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa – tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của tác giả.
- Sơ lược giá trị nội dung và ý nghĩa của truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa.
- Đề cập đến nhân vật người đàn bà hàng chài là nhân vật tiêu biểu thể hiện ý nghĩa của tác phẩm.
Thân bài phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài
- Hoàn cảnh cuộc sống của người đàn bà hàng chài.
- Vẻ ngoài thô kệch, xấu xí của người phụ nữ ấy.
- Vẻ đẹp tâm hồn ngời sáng của người đàn bà hàng chài…
Kết bài phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài
- Nhấn mạnh giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn.
- Khẳng định hình tượng người đàn bà làng chài tiêu biểu cho những đức tính của người phụ nữ Việt Nam.
Qua những nét khắc họa ấn tượng từ ngoại hình dáng vẻ đến cử chỉ, lời nói, hành động,…nhân vật người đàn bà hàng chài đã trở thành một biểu tượng đầy ám ảnh giúp Nguyễn Minh Châu thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc cho truyện ngắn. Đó là niềm cảm thương và nỗi lo âu cho số phận con người bất hạnh bị cầm tù trong đói nghèo, khốn khổ, bạo lực. Đồng thời thể hiện niềm tin yêu trân trọng những phẩm chất tốt đẹp trong tâm hồn, tính cách những con người luôn sống cuộc sống lòng người nhân hậu, vị tha.
Hi vọng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn thêm nhiều thông tin hữu ích về văn học để giúp bạn học tốt hơn !