Phân tích và cảm nhận hình ảnh ánh trăng trong thơ Bác

Phân tích và cảm nhận hình ảnh ánh trăng trong thơ Bác

Trăng trong thơ Bác là một trong những hình ảnh trung tâm xuyên suốt  quá trình sáng tác của Bác. Trăng trong thơ Bác hiện lên thật gần gũi,như một người bạn tâm giao sớt chia vui buồn. Trong nội dung bài viết dưới đây, hãy cùng PUD tìm hiểu về ánh trăng trong thơ Bác.

Những tác phẩm trăng trong thơ Bác

Ở những sáng tác thuộc thể loại thơ, Bác Hồ đã Bác Hồ đã dành nhiều dòng và nhiều bài để viết về ánh trăng – biểu tượng của vẻ đẹp vĩnh hằng và đồng thời cũng là một người bạn tri âm của biết bao thế hệ nhà văn, thi sĩ. Có rất nhiều bài thơ tràn đầy ánh trăng có thể kể đến như: “Vọng nguyệt”, “Trung thu”, “Rằm thắng giêng”, “Dạ lãnh”, “Thu dạ”, “Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi””, “Tin thắng trận”, “Đối nguyệt”, “Cảnh khuya”, “Đi thuyền trên sông Đáy”, “Cảnh rừng Việt Bắc”, “Chơi trăng”, “Thư Trung thu 1951”

Phân tích và cảm nhận hình ảnh ánh trăng trong thơ Bác qua một số tác phẩm

Sự rung cảm của người thi sĩ trước vẻ đẹp thiên nhiên

Xưa nay, con người thường dành những thiện cảm cho cái đẹp và đối với người nghệ sĩ thì tình yêu dành cho cái đẹp lại càng bất tận, dạt dào hơn hết. Trăng muôn đời nay vẫn là hiện thân cho vẻ đẹp của thiên nhiên thế nên khi viết về trăng, Bác Hồ cũng muốn nói lên sự rung cảm của mình trước vẻ đẹp của thế giới tự nhiên. 

Thế giới ấy có sự hiện hữu của mây, gió, hoa, núi, sông, tuyết và tất nhiên trong đó không thể thiếu trăng. Sự rung cảm ấy là cái gì đó rất đỗi tự nhiên để người nghệ sĩ có thể chắp bút viết nên những vần thơ nói lên tình cảm của mình dành cho những điều tươi đẹp trên đời:

“Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp,

Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông.”

(“Cảm hứng đọc “Thiên gia thi”)

Ở thời điểm nào, trăng cũng mang một vẻ đẹp riêng khiến cho con người say đắm. Đó là vẻ đẹp viên mãn, sáng ngời của vầng trăng đêm rằm. Khi xuất hiện trong phối cảnh của sông xuân, nước xuân, vầng trăng lại thêm rực rỡ, chiếu sáng khắp không gian làm bừng lên không khí mùa xuân nồng nàn:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên”

Dịch nghĩa:

“Đêm nay, đêm rằm tháng giêng, trăng đúng lúc tròn nhất

Sông xuân, nước xuân tiếp giáp với trời xuân”

 (“Nguyên tiêu”)

Trong không khí cả vạn vật đất trời đang bước vào thời điểm sức xuân bừng lên ngời ngời, trăng đã hòa cùng sông, nước, trời để làm nên một không gian có sự chan hòa của cảnh vật. Và không gì khác, trăng đã dùng ánh sáng “lồng lộng” trong khoảnh khắc tròn đầy, tươi đẹp nhất của năm để kết nối, kéo gần tất cả những sự vật ấy sát gần nhau làm sắc xuân thêm phơi phới, khí xuân thêm tràn đầy.

Hình ảnh trăng trong thơ Bác xuất hiện và kết nối đất trời

Trăng luôn hòa mình vào vạn vật, tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp, cảnh ấy vừa sinh động vì có cả âm thanh du dương của suối thác, vừa có sự hài hòa khi kết hợp với cây cối, hoa cỏ:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”

(“Cảnh khuya”)

Ở bài thơ “Đối nguyệt”, trăng cũng đảm đương vai trò sứ giả gắn kết các sự vật lại gần nhau và gần với con người:

“Ngoài song, trăng rọi cây sân,

            Ánh trăng nhích bóng cây gần trước song.”

(“Đối nguyệt”)

Khi đất trời bước sang mùa thu, hình bóng trăng vẫn “vành vạnh” trên cao, ánh sáng của trăng vẫn ngập tràn sức sống:

“Trung thu nguyệt viên như kính

Chiếu diệu nhân gian bạch tự ngân.”

(“Trung thu”)

Dịch nghĩa:

“Tết Trung thu, trăng thu tròn tựa gương

Soi rọi cõi người, màu trắng như bạc”

Đã có những thời điểm Bác phải ngắm trăng trong hoàn cảnh giam hãm, ngục tù nhưng dù hoàn cảnh có khắc nghiệt, khó khăn đến như thế nào thì cảnh đẹp vì có sự hiện diện của trăng đã khiến người thi sĩ không thể hững hờ. Dù cho họ “không rượu cũng không hoa”, họ vẫn say đắm thưởng thức vẻ đẹp tự nhiên, ngời sáng của vầng trăng trên cao:

“Ngục trung vô tửu diệc vô hoa,

Đối thử lương tiêu nại nhược hà?

Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt”

(“Vọng nguyệt”)

Dịch nghĩa:

“Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ”

Vầng trăng cũng vượt qua sự cản ngăn của song sắt để tìm đến với thi nhân:

“Nguyệt tòng song khích khán thi gia”

Dịch nghĩa:

“Từ ngoài khe cửa, trăng ngắm nhà thơ”

Trăng trong thơ Bác rất sáng, rất trong và cũng rất đẹp. Điều đó thể hiện tình yêu của Người với trăng nói riêng và thiên nhiên nói chung. Vạn vật hay cụ thể là trăng, hoa, gió, suối… lại chính là những vốn quý làm nên thiên nhiên của đất nước. Chính vì thế, khi Bác dành tình yêu cho thiên nhiên cũng chính là thể hiện tấm lòng của mình đối với đất nước mà ở trong hoàn cảnh nào thì tấm lòng ấy cũng vẫn luôn nồng nàn, tha thiết.

Ánh trăng trong thơ Bác thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ

Khi đã chọn cho mình con đường cách mạng để dành cả đời theo đuổi, Bác Hồ cũng lường trước được những gian lao, thử thách mà mình phải trải qua. Thế nhưng trước hoàn cảnh nào, dù phải ở trong điều kiện vất vả thế nào, khó khăn ra sao thì tinh thần lạc quan cách mạng vẫn dạt dào trong những vần thơ của Bác. 

Chỉ cần có ánh sáng của trăng, dẫu chỉ là một chút, Bác cũng như được tiếp thêm động lực để vững tin ở tương lai tươi sáng hơn. Trong hoàn cảnh tăm tối, u uất, ánh trăng có sức mạnh rất lớn trong việc vực dậy tinh thần con người:

“Nhất thứ kê đề dạ vị lan

Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san.”

 (“Tảo giải”)

Dịch nghĩa:

“Gà gáy một lần, đêm chưa tàn,

Chòm sao nâng vầng trăng lên đỉnh núi mùa thu.”

Giữa lúc chiến sự đang ở tình thế cam go, Bác Hồ và các anh chiến sĩ phải “đàm quân sự” nơi “thâm xứ”, Bác Hồ vẫn giữ được phong thái ung, tự tại và tinh thần lạc quan khi cảm nhận được vẻ đẹp cũng như sự đồng hành của trăng, của vạn vật đất trời. Đó cũng giống như sự ủng hộ, động viên của người bạn tri âm với người chiến sĩ:

“Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”

(“Nguyên tiêu”)

Dịch nghĩa:

“Nơi sâu thẳm mịt mù khói sóng bàn bạc việc quân,

Nửa đêm quay về trăng đầy thuyền.”

Trong hoàn cảnh ngục tù, có vầng trăng trên cao làm bạn, nhà thơ như không còn cảm thấy đơn độc, bức bối:

Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt

Nguyệt tòng song khích khán thi gia”

(“Vọng nguyệt”)

Dù cho “song” có đứng ở vị trí rào cản ngăn cách “nhân” “nguyệt” nhưng nó sẽ không bao giờ có đủ sức mạnh chặn lại cuộc vượt ngục về tinh thần. Song sắt của nhà giam có thể cầm tù người chiến sĩ nhưng không thể giam hãm tinh thần và không thể biến người chiến sĩ thành tù nhân. 

Câu thơ đã làm sáng lên tâm hồn tương giao, hòa hợp giữa “thi gia” và vầng trăng trên cao. Không chỉ có mỗi nhà thơ đơn phương ngắm trăng, tâm sự cùng trăng mà trăng cũng chủ động tìm đến Người để thể hiện sự đồng cảm, khích lệ. Trong chốn “ngục trung” như vậy, quả thật tinh thần con người rất dễ bị đánh bại để trở nên gục ngã, sống bi quan nhưng ta khó có thể tìm thấy những biểu hiện về sự bế tắc trong tinh thần của Bác Hồ. Ngược lại, dù cảnh ngộ có éo le, có tăm tối đến dường nào, Hồ Chí Minh càng lạc quan, càng có niềm tin về tương lai tươi mới.

Vầng trăng có thể chiếu tỏa ánh sáng khắp nhân gian, hơn nữa lại ở vị thế tự tại, khi tĩnh lặng, nhưng có lúc lại vận động (“Trên trời trăng lướt giữa làn mây”) nên nó không chỉ tượng trưng cho vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn thể hiện sự tự do ít nhiều. Thế nên, viết về trăng, nhất là trong hoàn cảnh bị cầm tù, người chiến sĩ còn bộc lộ niềm khao khát được tự do một cách tha thiết. 

Được trả tự do, có lẽ nhà thơ sẽ thưởng trăng một cách đầy đủ hơn, mãn nguyện hơn và khi mong muốn được tự do, người chiến sĩ cũng bộc lộ khát vọng được “mang về” vầng trăng hòa bình cho đất nước:

“Bất đắc tự do thưởng thu nguyệt,

Tâm tùy thu nguyệt cộng du du.”

(“Trung thu”)

Dịch nghĩa:

“Không được tự do thưởng trăng thu

Lòng ta theo cùng trăng thu vời vợi xa.”

Nhận xét về hình ảnh ánh trăng trong thơ Bác 

Về nội dung, những câu thơ Bác viết về trăng đã làm bộc lộ tình yêu tha thiết của Người với một hình ảnh rất đỗi quen thuộc, thân thương nhưng cũng là tình cảm dành cho thiên nhiên nói chung. Bên cạnh đó, những câu thơ trên còn góp phần làm nổi bật những vẻ đẹp cao quý của người chiến sĩ cách mạng. Đó là sự lạc quan, yêu đời, khát khao tự do và ý chí quyết tâm theo đuổi lí tưởng cộng sản.

Về nghệ thuật, Hồ Chí Minh đã khắc họa thành công hình ảnh vầng trăng dù là hình ảnh cổ điển nhưng lại có những chấm phá của sự mới mẻ, hiện đại. Trăng trong thơ Bác không đơn thuần thể hiện sự tĩnh tại của cảnh vật mà còn cho thấy sự chuyển biến vận động khi hướng nhận thức của nhân vật trữ tình về phía ánh sáng, tương lai, trong thơ cũng có sự tương tác hai phía ở cả người và cảnh chứ không phải chỉ mỗi con người tìm đến thiên nhiên.

Kết bài: Tóm lại, ta có thể bắt gặp sự thường trực của hình ảnh vầng trăng trong thơ Bác. Qua ánh sáng bàng bạc của trăng trong thơ Người, ta không chỉ thấy chất thép của ý chí người chiến sĩ mà còn thấy chất tình tài hoa của người thi sĩ.

Bài văn mẫu phân tích và cảm nhận hình ảnh ánh trăng trong thơ Bác 

Ngoài tập Nhật ký trong tù, Hồ Chí Minh còn để lại nhiều bài thơ chữ Hán và thơ tiếng Việt. Thơ của Bác phong phú, đẹp đẽ, chứa chan tình yêu nước thương dân. Bác cũng có viết một số bài thơ cảm hứng trữ tình nói về tình yêu thiên nhiên trong đó đẹp nhất có lẽ là những vần thơ viết về trăng như Hoài Thanh nhận xét:

Thơ Bác đầy trăng.

Thơ Bác đầy trâng – Thơ trong tù, thơ chiến khu… có nhiều bài, nhiều câu thơ nói về vầng trăng xinh đẹp và trữ tình.

Trước hết nói về trăng trong Nhật ký trong tù. Ngắm trăng là bài thơ tuyệt tác. Trong ngục tối, nhà thơ không có rượu, có hoa để thưởng trăng. Trăng như một ngư
ời bạn thân từ phương trời xa, vượt qua song sắt nhà tù đến thăm Bác. Trăng được nhân hóa tuyệt đẹp: có ánh mắt và tâm hồn. Vượt lên mọi cơ cực của cảnh tù đày, Bác say sưa ngắm vầng trăng. Trăng với Bác lặng lẽ nhìn nhau, cảm động. Bài thơ ghi lại một tư thế ngắm trăng hiếm thấy: Một tâm hồn tha thiết yêu thiên nhiên, tạo vật, một phong thái ung dung tự tại của nhà thơ – chiến sĩ. Trăng hữu tình nên thơ. Trăng với người tù cảm thông chan hòa trong mối tình tri kỷ:

Người ngắm trăng soi ngoài của sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ

Ngắm trăng đã phản ánh tinh thần lạc quan và khát vọng sông hướng về ánh sáng, tự do của Bác trong cảnh tù đày.

Tiếp theo là những bài thơ về trăng chiến khu của Bác. Có gì đẹp hơn gió núi, trăng ngàn? Rằm thảng giêng một bài thơ trăng kỳ diệu. Hai câu đầu là cảnh trăng xuân sông nước.. Một màu xanh bao la bát ngát: sông xuân, nước xuân, trời xuân lung linh dưới vầng trăng đêm Nguyên tiêu. Ba chữ xuân trong nguyên tác là một gam màu nhẹ sáng và tươi mát.

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên

Dịch thơ là:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.

Hai câu thơ cuối ghi lại công việc của Bác trong đêm rằm tháng Giêng: giữa nơi khói sóng của dòng sông, Bác bàn bạc việc quân để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Nửa đêm, con thuyền chở đầy ánh trăng vàng quay về bến:

Giữa dòng bàn bạc việc quân,

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền

Con thuyền của lãnh tụ trở thành con thuyền của thi nhân chở đầy ánh trăng vàng. Sự xuất hiện của vầng trăng cho ta thấy một hồn thơ tuyệt đẹp: Trong khói lửa chiến tranh ác liệt, căng thẳng, bận rộn việc quân, việc nước, nhưng Bác vẫn ung dung, lạc quan, yêu đời. Nguyệt mãn thuyền (trăng đầy thuyền) là một hình tượng thơ cổ kính, mỹ lệ rất độc đáo.

Có vầng trăng bơi theo con thuyền của lãnh tụ trên dòng sông Đáy mênh mang giữa núi rừng chiến khu Việt Bắc: Sao đưa thuyền chạy, thuyền chở trăng theo (Đi thuyền trên sông Đáy). Có vầng trăng đến đòi thơ như bạn tri âm, cùng Bác chia vui tin thắng trận. Trăng xuất hiện thì chuông lầu đêm thu reo lên, tin vui thắng trận dồn dập báo về… Cái đẹp gắn liền với niềm vui. Trong cảnh tù đày, trăng đã đến với Bác thì trong máu lửa chiến tranh, trong niềm vui thắng trận, trăng cũng không thể nào vắng bóng?

Bài viết trên đây của PUD đã giúp bạn phân tích và cảm nhận về hình ảnh ánh trăng trong thơ Bác. Hy vọng đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích về chủ đề “Trăng trong thơ Bác”. Chúc bạn luôn học tốt!.

  • Xem thêm >>>  Phân tích chất vàng mười trong Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân)

Trả lời

error: Content is protected !!