Có khi nào bạn tự hỏi rằng tại sao những người khác nói chuyện rất cuốn hút, khiến mọi người cảm thấy rất hào hứng với câu chuyện mà họ chia sẻ, nhưng đến khi mình trò chuyện thì lại khiến mọi người xung quanh cảm thấy nhàm chán và không muốn lắng nghe mình nói. Liệu đây có phải là do mình không biết cách trò chuyện hay là không? Hoặc có phải mình đang mắc phải những rào cản tâm lý trong giao tiếp nào đó mà có thể mình không nhận ra. Các bạn hãy cùng tôi tìm hiểu là những nguyên do từ đâu của câu chuyện này nhé.
Những lí do khiến bạn “phá hủy” cuộc trò chuyện của chính mình
Julian Treasure chuyên gia hàng đầu về giao tiếp và giọng nói đã có những chia sẻ hết sức thiết thực về vấn đề giao tiếp và rào cản trong giao tiếp. Ông đã đưa ra 7 lí do là nguyên nhân khiến những gì bạn nói trở nên vô nghĩa và chậm chí khiến người đối diện của mình cảm thấy vô cùng khó chịu.

Người lẻo mép, nói xấu người vắng mặt.
Đây là một điều tối kỵ trong vấn đề giao tiếp, nó không chỉ thể hiện bạn là người có một tính cách không tốt mà còn nói lên về chính con người bạn với người đối diện.
Nếu bạn muốn góp ý hay thậm chí là phê phán một vấn đề nào đó của một người khác, hãy nói trực tiếp trước mặt họ. Đừng để người đối diện xem thường và đánh giá thấp phẩm chất của bạn. Và biết đâu được, chỉ 5 phút sau người đối diện bạn chính là người đang kể lể về những tật xấu của bạn với một người khác thì sao?
Phán xét người khác.
Hãy thành thật với tôi một điều rằng chẳng ai muốn người khác chê bai hay nặng hơn là phán xét bạn trước một đám đông cả. Nếu bạn là người trong tình huống bị phán xét, bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Vâng, chúng ta rất giỏi phán xét, dè bỉu người khác một cách cực kì dễ dàng phải không.
Tuy nhiên, việc phán xét người khác một cách tiêu cực, không biết lựa lời không chỉ khiến người khác cảm thấy khó chịu, không muốn sửa đổi bản thân mà còn khiến họ có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với bạn.

Lời nói quá tiêu cực
Cuộc sống đã có quá nhiều điều khó khăn và tiêu cực, do vậy khi giao tiếp, chẳng ai lại muốn chỉ ngồi nghe những điều tiêu cực từ bạn nói ra cả.
Thử nghĩ mà xem, giao tiếp giữa một người tiêu cực và một người tích cực bạn sẽ thích trò chuyện với ai hơn?
Anh họ tôi là một trường hợp điển hình như vậy, hôm đó là 20/10, ngày phụ nữ Việt Nam, tôi liền nói với anh ta rằng, quào, hôm nay là ngày 20/10 kìa anh. Anh ta nhìn tôi với đôi mắt vô hồn và nói:” Rồi sao nữa, hôm nay tận thế chắc?”. Đến giờ tôi đã hiểu vì sao anh ta vẫn chưa có người yêu!
Luôn luôn than phiền dù sự việc không đến nổi như thế
Trong lớp học của tôi luôn luôn có những người như vậy. Họ than phiền vì mọi thứ, dù hôm ấy trời có nắng hay là mưa họ cũng than phiền, rồi hết thời tiết họ phàn nàn đến tình hình kinh tế chính trị nước nhà, giá xăng tăng, giá điện giảm, rồi lại đến hàng xóm ồn ào họ không thể tập trung…
Ầy gù, có mà chắc mấy tờ giấy A4 mới ghi nổi hết những điều họ than phiền trong ngày. Bạn biết không, than phiền không hề khiến mọi chuyện trở nên tốt lên, cách tốt nhất là bạn nên đứng dậy và giải quyết xem vấn đề cốt lõi nằm ở đâu.
Chẳng ai lại muốn ngồi cả ngày để nghe bạn than phiền về cuộc sống của mình cả, họ đã có đủ những thứ mệt mỏi trong cả ngày của mình rồi. Cái họ muốn là những câu chuyện vui vẻ chứ không phải là lời than phiền.

Biện hộ, biện minh và luôn luôn cho mình là đúng
Đây là kiểu nhân vật điển hình và sẽ luôn luôn xuất hiện trong bất kì cuộc trò chuyện nào. Anh/chị ta sẽ không bao giờ chấp nhận cái sự sai của bản thân mình cả, mặc cho họ biết rõ ràng là họ đã sai.
Tuy vậy, họ vẫn muốn tìm ra một lý do nào đó để cố biện luận cho cái sai của chính bản thân mình và chuyển hướng câu chuyện sang một hướng có lợi cho họ. Đây là tuýp người dù cho “sông có cạn, núi có mòn” cũng không thể thay đổi quan điểm suy nghĩ của họ và khiến họ chấp nhận cái sai.
Khi nói chuyện với một tuýp người như vậy, tốt nhất bạn cứ để cho họ nói thỏa thích và giữ im lặng cho đến khi họ không còn gì để biện luận thêm nữa.
Người ngộ nhận giữa quan điểm cá nhân và thực tế
Có một điểm chung giữa những người có suy nghĩ như vậy và những người cố biện hộ, biện minh cho mình. Đó là họ sẽ coi quan điểm của bạn luôn luôn sai, dù cho những gì bạn đang nói và chia sẻ là những lời từ các chuyên gia, hay các nhà khoa học đã chứng hay chăng nữa. Họ có thể sẵn sàng bác bỏ ý kiến quan điểm của bạn sang một bên và đưa quan điểm của họ lên hàng đầu rồi tâng bốc nó như những điều đã được chứng minh kiểm nghiệm trong thực tế.
Có thể nói rằng, khi bạn trò chuyện với mẫu người như thế, tốt nhất bạn nên lơ họ đi và cứ để cho họ giữ cái quan điểm giáo điều đó cho riêng họ.
Nói khoác và bịa đặt câu chuyện
Ranh giới giữa một câu chuyện hài hước và vô duyên là rất mong manh. Do vậy bạn hãy cẩn thận khi nói về những điều phóng đại, nói quá của bản thân về một vấn đề nào đó.
Thêm nữa, hãy nhìn nhận xem đối tượng mà bạn đang giao tiếp là người như thế nào, họ có phải là mẫu người thích nghe những câu nói hài hước và phóng đại hay là không. Đây là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thú vị trong cách giao tiếp mà bạn không thể bỏ qua.
Những rào cản đang hủy hoại bạn
Những niềm tin khiến bạn bị giới hạn
Từ bé, bạn tin rằng những người tốt luôn gặp may mắn và giữ niềm tin đó suốt nhiều năm của cuộc đời. Nhưng ngày càng lớn, bạn quan sát cuộc sống và càng nhận thấy rằng may mắn đến một cách ngẫu nhiên và hoàn toàn không tất nhiên đối với người tốt. Nhưng trung thành với điều đó, bạn ngồi chờ may mắn đến với mình trong vô vọng.

Đây chính là lúc nói với bản thân rằng những niềm tin của mình, có thể chính xác vào một thời điểm nào đó, đang giới hạn mình cố gắng tìm thấy những niềm tin tốt đẹp hơn. Vì thế, nên khôn ngoan khi đặt niềm tin của mình vào ai, cái gì, khi nào và như thế nào.
Những mối ràng buộc
Con người sống trong xã hội với vô vàn những mối quan hệ kéo theo nhiều ràng buộc. Nhưng trong đó có những mối ràng buộc không những không có ích mà còn kéo bạn xuống hoặc thừa thãi.
Dũng cảm cắt đứt những điều thừa thãi đó sẽ giúp tâm hồn bạn nhẹ nhàng hơn và giúp bạn “bay cao bay xa” hơn. Đó có thể là một mối ràng buộc tinh thần trách nhiệm với người yêu cũ mà bạn không cần phải đeo giữ nó mãi.
Cảm thấy tội lỗi
Bạn mắc sai lầm, bạn thấy hối hận vì lẫm lỗi đó mà mang theo nó trong một thời gian dài. Nhưng thực ra, điều bạn cần làm là nhìn vào nó, đối diện và sửa sai để sai lầm đó trở thành bài học chứ không phải là hố sâu vấp ngã.

Định kiến
Trong xã hội hiện đại, thoáng hiện nay, những khác biệt, sai lầm của một người luôn được xã hội bao dung, đồng cảm và giúp đỡ để họ hòa đồng hơn hoặc khắc phục sai lầm. Do đó, xóa tan định kiến của mình về một vấn đề nào đấy cũng là mở rộng trái tim mình với xã hội hơn. Dẹp bỏ định kiến, hòa nhập với cộng đồng, tìm cách cân bằng trung hòa quan điểm là cách tốt hơn để sống, hơn là thái độ định kiến cộc cằn, khó chịu.
Suy nghĩ nông nổi
Suy nghĩ nông nổi không phải là cách sống của người thành công. Thiếu suy nghĩ và suy nghĩ nông nổi là hành động khiến bạn dễ gặp thất bại và không được trọng dụng trong mắt người khác.
Suy nghĩ nông nổi cũng khiến tầm nhìn bị hạn chế, khó lòng tiếp xúc với những điều tốt đẹp, tân tiến trong xã hội, tự thu hẹp kiến thức và làm xấu đi trạng thái cảm xúc của bản thân.
Suy nghĩ tiêu cực

Điều này sẽ chẳng bao giờ có thể giúp bạn cải thiện tình hình đang không mấy tốt đẹp của mình. Một điều gây chán nản được tiếp thêm suy nghĩ tiêu cực sẽ làm tình hình xấu đi gấp đôi. Vì là chuyện cũng đã xảy ra rồi và bạn không thể thay đổi được gì, ít ra suy nghĩ lạc quan tích cực sẽ giúp làm lóe lên tia sáng khắc phục khó khăn.
Trông chờ vào sự đồng thuận của người khác
“Tự túc là hạnh phúc”. Trông chờ vào sự đồng thuận của người khác chẳng khác nào bạn là người thiếu chính kiến, thiếu những suy nghĩ và lối đi riêng của bản thân.
Hãy chủ động tích cực trong mọi chuyện và giải quyết nó theo cách của bạn. Đôi khi tin vào bản thân hơn tin vào người khác sẽ phát huy tác dụng đáng kể. Ngoài tin vào trái tim, tin vào trí óc của mình cũng là điều tuyệt vời đấy!
Hận thù
Hận thù chưa chắc là cách trả thù người bạn ghét tốt nhất, vì “trạng thái cảm xúc hận thù” của bạn chẳng thể nào mọc chân và đi đến đá vào kẻ bạn ghét giúp bạn. Thực ra nó đang phản chủ “đá” lại bạn đấy.
Bỏ qua hận thù, bắt tay vào hành động để có được thành công, bạn đã chiến thắng chính bản thân và bước trước một bước kẻ bạn khó chịu.
“Cứ để mai”
Có một cửa hàng treo biển “Ngày mai bán giảm giá” đã thu hút rất nhiều khách đến mua hàng. Nhưng những vị khách đó đã phải thất thiểu ra về khi không được mua hàng giảm giá. Cửa hàng giải thích đơn giản rằng vì “ngày mai” mới bắt đầu.
Ngày mai lại có ngày mai khác. Vì thế, cứ nói mãi câu “Cứ để mai” thì công việc sẽ chẳng bao giờ được hoàn thành. Không những thế, cứ mãi dựa dẫm vào ngày mai sẽ khiến trí não hình thành tính ỷ lại, sự lười biếng, thói quen trì trệ và xem sự chậm trễ là một điều hiển nhiên không cần thay đổi.
Tự trách mình
Tự trách mình cũng giống như hành vi cảm thấy tội lỗi. Không gì bằng việc hành động ngay lập tức để khắc phục sai lầm, rút ngắn thời gian khó khăn, tội lỗi do lỗi lầm của mình trong quá khứ.
Không nên tự trách mình vì lỗi lầm trong quá khứ vì bạn đang sống trong hiện tại và sống vì tương lai.
Suy nghĩ và rào cản tâm lý nằm ở chính bạn
Ngoài những lí do cản trở việc giao tiếp do Julian đưa ra thì còn có những rào cản tâm lý do chính những suy nghĩ trong bạn khiến bạn cảm thấy khó khăn trong giao tiếp.
Mặc cảm trong ngoại hình
Một người có một ngoại hình đẹp sẽ có cảm giác tự tin hơn trong việc giao tiếp với người khác và ngược lại. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này là điều mà bạn không thể không làm được.
Người ta thường bảo “người đẹp nhờ lụa”, do vậy nếu bạn không có một ngoại hình không thực sự xuất sắc thì hãy lựa cho mình những bộ trang phục thật phù hợp ngoại hình và tính cách của bạn. Nó không cần phải là những trang phục quá đắt tiền mà nó cần phải là những bộ quần áo phù hợp với môi trường và những người mà bạn đang muốn tiếp xúc và trò chuyện.
Thêm nữa, hãy chọn những trang phục phù hợp với tính cách và con người bạn, điều này sẽ khiến bạn tự tin hơn hẳn trong vấn đề giao tiếp.

Thiếu tự tin giao tiếp vì “Thiếu kiến thức”
“Đầu tư vào tri thức đem lại lợi nhuận cao nhất” – Benjamin Franklin. Thông thường những người có vốn kiến thức sâu rộng thường rất tự tin trong giao tiếp, trong cuộc trò chuyện họ sẽ luôn là người dẫn dắt mạch chuyện và thể hiện mình. Tuy nhiên, nếu bạn nằm trong phần danh sách những người còn lại, thì hãy tự tin lên, bởi lúc trước những người thiếu kiến thức cũng cần có thời gian để họ có được như ngày hôm nay. Hãy dành thời gian cho bản thân để đọc và hỏi hỏi nhiều hơn, kiến thức là vô tận do vậy bạn đừng quá tự ti về những điều bạn không biết nhé.
Người có kỹ năng giao tiếp tốt sẽ giúp cải thiện và duy trì mối quan hệ một cách tốt đẹp, giúp bạn được mọi người xung quanh yêu mến và nể phục. Do vậy, đừng để rào cản tâm lý trong giao tiếp biến thành vật cản trở bạn trở thành một con người tích cực và tự tin.